DẤU HIỆU NHẬN BIẾT VÀ CÁCH PHÒNG CHỐNG BỆNH DO VIRUS ZIKA
Tổ chức WHO thông báo virus Zika đã xuất hiện ở 61 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Việt Nam là quốc gia mới nhất ghi nhận ca nhiễm virus này. Vậy, các dấu hiệu nhận biết bệnh cũng như cách phòng bệnh là như thế nào? Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đã có chia sẻ. Bệnh viện Bảo Sơn xin được trích lược để khách hàng tiện theo dõi.
Theo ông Trần Đắc Phu, phương thức lây truyền chủ yếu của virus Zika là qua muỗi Aedes. Có một số bằng chứng gợi ý virus này có thể lây truyền qua đường máu, từ mẹ sang con khi sinh và qua đường tình dục, tuy nhiên sự ghi nhận là rất hiếm. Hiện nay không có bằng chứng về việc lây truyền virus Zika qua sữa mẹ.
Các dấu hiệu khi mắc bệnh
Ông Trần Đắc Phu cho biết, khó khăn lớn nhất trong việc phát hiện ca bệnh nhiễm virus Zika hiện nay là 80% triệu chứng bệnh không điển hình.
Các dấu hiệu gần giống với triệu chứng bệnh sốt xuất huyết như sốt, phát ban, đau cơ, mỏi người, viêm kết mạc… do đó, việc chẩn đoán bệnh không hề dễ dàng, ngay cả đối với các nhân viên y tế. Thời gian ủ bệnh từ 3-12 ngày.
Vì vậy, những người đang sinh sống và làm việc trong hoặc xung quanh khu vực có dịch, đặc biệt là những địa phương vừa mới ghi nhận ca mắc như TP.HCM và Khánh Hòa, người dân khi có các triệu chứng trên thì cần nghĩ tới bệnh do virus Zika.
Cách điều trị bệnh do virus Zika
Hiện, bệnh do virus Zika chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và cũng chưa có vaccine phòng bệnh. Tuy nhiên, biểu hiện đặc trưng của virus Zika thường là nhẹ và sẽ tự khỏi sau vài ngày đến 2 tuần nếu được nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Đến thời điểm này, thế giới cũng chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong do virus Zika, các trường hợp trẻ sơ sinh tử vong là do bệnh não nhỏ.
Vì vậy, phụ nữ mang thai khi mắc bệnh cần phải được chăm sóc và khám thai định kỳ.
Cách điều trị và chăm sóc cho phụ nữ mang thai khi mắc bệnh
Bộ Y tế cũng đã ban hành hướng dẫn chăm sóc phụ nữ mang thai trong bối cảnh dịch bệnh do virus Zika. Theo đó, khi phụ nữ mang thai mắc bệnh do virus Zika cần phải được siêu âm thai nhi, nếu không có dấu hiệu nghi ngờ đầu nhỏ cần tiếp tục được chăm sóc và theo dõi thai theo định kỳ (có thể 2 tuần/lần).
Nếu siêu âm có nghi ngờ đầu nhỏ thì cần phải chuyển bệnh nhân đến cơ sở có khả năng chẩn đoán trước sinh để chẩn đoán xác định đầu nhỏ. Kết quả cuối cùng cần phải thông tin đầy đủ và tư vấn cho thai phụ cùng gia đình để có quyết định cuối cùng.
Tuy nhiên, chúng tôi muốn lưu ý là không phải bà mẹ mang thai nào nhiễm virus Zika cũng sinh con ra bị dị tật đầu nhỏ. Đây chỉ là số ít. Điều quan trọng là các bà mẹ cần phải được khám thai đúng thời kỳ để được chuẩn đoán chính xác.
Cách phòng chống bệnh do virus Zika
Người dân cần tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống muỗi đốt (ngủ màn, mặc quần áo dài kể cả ban ngày, dùng kem xua muỗi, hương muỗi) , chủ động diệt muỗi và bọ gậy (loăng quăng).
Mặc dù tổ chức WHO vẫn chưa khuyến cáo hạn chế việc đi lại của người dân giữa các khu vực và địa phương tuy nhiên, người đi/đến/về từ vùng có dịch bệnh do virus Zika cần chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 12 ngày. Nếu có biểu hiện bệnh hãy đến cơ sở y tế để chủ động khai báo về tiền sử đi lại và được khám, tư vấn, điều trị.
Đối với phụ nữ mang thai cũng cần phải áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt và khám thai định kỳ; không nên đi đến vùng dịch khi không thực sự cần thiết.
Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu đang sinh sống hoặc đã từng đến vùng có dịch mà có sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong các triệu chứng như đau mỏi cơ/khớp, viêm kết mạc mắt cần xét nghiệm để phát hiện virus Zika.
Vợ, chồng, bạn tình đang sống hoặc trở về từ vùng dịch nếu có ý định mang thai cần đến cơ sở y tế để khám, tư vấn trước khi quyết định mang thai. Người từ vùng dịch trở về cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục với vợ (bạn tình) trong quá trình mang thai để tránh lây truyền virus Zika cho mẹ và con.
Nguồn: baosonhospital